Hình ảnh giàn mướp xuất hiện khá nhiều trong các tác phẩm văn học. Đây cũng là một hình ảnh rất quen thuộc của các làng quê Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay, nếp sống của con người có nhiều thay đổi. Ở thành thị, hình ảnh giàn mướp đang ngày càng ít đi. Tuy nhiên, không vì thế mà việc trồng mướp là bất khả thi. Bên cạnh đó, mướp hương là một loại mướp ngon, bổ dưỡng, dễ trồng và chăm sóc. Qua bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn cách trồng mướp hương trong thùng xốp mà chắc chắn sẽ vô cùng bổ ích cho những ai đang định trồng loài cây này.
Hướng dẫn cách trồng mướp hương trong thùng xốp
Đặc điểm
Mướp hương có tên khoa học là Luffa aegyptiaca. Đây là loài cây thân thảo, dây leo. Thân cây dài, màu xanh lục nhạt, được bao phủ bởi một lớp lông nhỏ màu trắng mọc rải rác. Dọc trên thân có nhiều tua cuốn để bám vào giàn, bụi rậm hay thân cây khác.
Lá mướp hương có hình trái tim, mọc so le nhau, cả hai mặt lá được bao phủ bởi một lớp lông tơ nhỏ. Mép lá có răng cưa.
Hoa mướp hương có màu vàng, bao gồm cả hoa đực và hoa cái trên cùng một cây. Hoa cái thường mọc đơn độc từng hoa còn hoa đực thường mọc thành chùm. Mùa hoa nở vào khoảng tháng 8 – tháng 10 hằng năm.
Trái mướp hương có hình trụ, thuôn dài khoảng 25 – 30cm. Khi còn xanh, quả mềm, xốp, chứa nước với vỏ thô ráp. Quả già sẽ chuyển sang màu nâu, không còn nước, bên trong chỉ còn xơ dai.
Bên trong quả mướp hương có chứa nhiều hạt hình trứng, dẹt, có thể sử dụng để gieo trồng thành cây mới.
Mướp hương có nguồn gốc từ Bắc Phi, hiện nay đã được trồng ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Công dụng
Thông thường, người ta thường trồng mướp hương để lấy trái. Trái mướp hương có thể sử dụng để chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn và vô cùng bổ dưỡng.
Bên trong quả mướp hương có chiếu nhiều chất xơ, các loại vitamin nhóm B, vitamin C, nước, lipid, glucid, canxi, sắt,… vô cùng tốt cho cơ thể con người.
Khi sử dụng mướp hương sẽ mang lại những công dụng sau:
- Tăng cường sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch.
- Ngăn ngừa ung thư, tiểu đường, các bệnh về tim mạch.
- Cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa.
- Hỗ trợ giảm cân.
- Cải thiện thị lực, tăng cường sức khỏe mắt.
- Giảm căng thẳng, mệt mỏi.
Một số món ăn ngon từ mướp hương có thể kể đến như canh mướp hương nấu tôm, mướp hương xào tỏi, canh mướp hương rau ngót, canh mướp hương mồng tơi, canh mướp hương nấu với nấm bào ngư xám,…
Chuẩn bị
Thùng xốp
Để trồng mướp hương trong thùng xốp, bạn cần chuẩn bị những thùng xốp lớn, có chiều cao ít nhất khoảng 30cm để có nhiều không gian, chứa được nhiều đất. Dưới đáy của thùng xốp, bạn cần đục khoát ít nhất khoảng 6 – 8 lỗ nhỏ để giúp cây thoát nước.
Đất trồng
Mướp hương sẽ sinh trưởng và phát triển tốt nếu được trồng trên đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng và khả năng thoát nước tốt. Bạn có thể trộn thêm phân trùn quế, xơ dừa, trấu hun,… vào đất trồng mướp hương. Nếu được, bạn có thể mua đất trồng có sẵn tại các cửa hàng vật tư nông nghiệp.
Hạt giống
Hạt giống mướp hương cần chắc mẩy, không bị lép hay bị sâu bệnh. Bạn có thể mua hạt giống có sẵn hoặc tận dụng hạt từ những quả vụ trước.
Kỹ thuật trồng mướp hương
Xử lý hạt giống
Trước khi gieo, bạn cần ngâm hạt giống của mướp hương trong nước ấm 50 – 55 độ C khoảng 4 – 5 giờ đồng hồ. Điều này nhằm mục đích kích thích hạt giống nhanh nảy mầm hơn.
Sau đó, vớt hạt giống ra rồi rửa lại với nước, ủ trong khăn ẩm trong 2 ngày, đến khi hạt giống nứt nanh thì có thể đem đi gieo.
Ươm mầm
Bạn nên ươm hạt giống ở trong bầu đất. Mỗi bầu đất ươm khoảng 1 – 2 hạt giống. Gieo hạt có độ sâu khoảng 1cm và lấp đất lại. Số lượng bầu ươm phụ thuộc vào số lượng thùng xốp bạn có. Với thùng xốp cao khoảng 30cm thì trồng 3 – 4 cây. Chú ý tưới nước thường xuyên để cây nảy mầm và bén rễ.
Trồng cây
Khi cây con có khoảng 3 – 4 lá to, cao khoảng 7 – 10cm thì bạn có thể trồng trong thùng xốp. Sau khi trồng thì nén chặt đất và tiếp tục chăm sóc cẩn thận để cây cho thu hoạch.
Chăm sóc
Ánh sáng & nhiệt độ
Mướp hương là loài cây ưa sáng. Chính vì thế, bạn cần đảm bảo cây có đủ ánh sáng để có thể quang hợp, ra hoa, đậu quả với năng suất cao nhất.
Mướp hương ưa nhiệt độ ấm áp. Mức nhiệt độ thích hợp nhất cho mướp hương sinh trưởng là 25 – 30 độ C. Nếu nhiệt độ hạ thấp, cây sẽ sinh trưởng kém, ít đậu trái.
Tưới nước
Trong những ngày nắng nóng, bạn có thể tưới nước cho cây 2 lần vào sáng sớm và chiều mát. Trong những ngày mưa thì bạn có thể điều chỉnh tần suất và lượng nước tưới sao cho phù hợp. Chú ý không tưới nước lên hoa và trái non.
Bón phân
Việc bón phân cho mướp hương sẽ phụ thuộc vào tình trạng của cây. Sử dụng các loại phân bón hữu cơ, phân NPK để bón cho mướp hương. Sau khi trồng khoảng 15 – 20 ngày, bạn có thể tiến hành bón thúc đợt đầu tiên. Sau đó, cứ khoảng 25 ngày lại bón một lần. Đến thời điểm mướp ra hoa, bạn có thể bổ sung thêm một ít kali để kích thích cây ra hoa.
Phân NPK có thể pha loãng với nước rồi tưới cho cây còn phân hữu cơ thì trộn với đất rồi bón xung quanh thùng xốp, sau đó có thể tưới thêm một ít nước để giúp cây hấp thụ tốt hơn.
Cắt tỉa
Bạn nên thường xuyên cắt bớt lá ở gốc, những cành bị sâu bệnh, khô héo để giúp cây mướp thông thoáng hơn, tập trung dinh dưỡng để ra hoa và nuôi quả.
Làm giàn
Cũng giống như bầu hồ lô, việc làm giàn sẽ giúp mướp hương phát triển tốt nhất. Tuy nhiên, việc làm giàn sẽ tùy thuộc vào điều kiện của bạn. Nếu trồng trong thùng xốp, bạn nên thiết kế những giàn đơn giản, tận dụng cọc tre, gỗ hay sắt,.. để làm giàn.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu hại
Một số loài sâu hại, côn trùng, loài gặm nhắm sau có thể gây hại cho mướp hương như sau:
Bọ rùa ăn lá và đọt non.
Sâu vẽ bùa đục lá, làm lá dễ bị khô cháy, năng suất quả thấp.
Sâu xanh, sâu ăn tạp cắn phá lá non, bông, trái.
Bọ trĩ, rầy mềm chích hút nhựa cây, làm cây kém phát triển, năng suất thấp.
Rầy trắng chích hút nhựa cây, truyền bệnh virus cho cây.
Chuột cắn phá hạt lúc gieo hạt.
Dế, sâu đất ăn đứt rễ mầm hạt giống.
Khi phát hiện, bạn nên ưu tiên các biện pháp thủ công như bắt sâu bằng tay, sử dụng bẫy chuột, dung dịch sinh học để xua đuổi côn trùng,… Chỉ sử dụng biện pháp hóa học khi thực sự cần thiết, sâu hại tấn công với mật độ lớn.
Bệnh hại
Mướp hương có thể mắc một số bệnh sau:
Bệnh thối cổ rễ: Cây xuất hiện các vết bệnh tiếp giáp với mặt đất giữa rễ và thân, phòng trừ bằng các loại thuốc như No Mildew 25 WP, Marthian 90 SP,…
Bệnh cháy lá, đốm lá: Cây bị bệnh xuất hiện những đốm bệnh màu nâu hoặc màu xám, phòng trừ bằng các loại thuốc như Than M 80WP,…
Bệnh sương mai: Cây xuất hiện các đốm bệnh trên lá, ảnh hưởng đến năng suất trái, một số loại thuốc có thể phun cho mướp như Thane M 80WP, Amikta…
Bệnh thán thư: Nguyên nhân gây bệnh là do vi khuẩn, cây xuất hiện các đốm bệnh trên lá già hoặc trái. Một số loại thuốc đặc trị như No Mildew 25 WP,…
Bệnh héo xanh: Nguyên nhân gây bệnh là do nấm, xâm nhập vào rễ và làm cây chết héo. Chính vì thế, bạn cần chú ý vấn đề thoát nước cho cây.
Thu hoạch
Khoảng 3 tháng sau khi gieo hạt, bạn có thể thu hoạch những trái mướp hương đầu tiên. Nếu được chăm sóc cẩn thận, mướp hương sẽ cho thu hoạch liên tục trong 8 – 9 tháng. Khi thu hoạch, bạn nên dùng dao hoặc kéo để cắt trái mướp thật nhẹ nhàng và cẩn thận, tránh ảnh hưởng đến những trái khác. Nếu muốn chế biến thành những món ăn ngon, bạn nên thu hoạch mướp sớm. Còn nếu muốn lấy xơ mướp hay để làm giống, bạn nên để mướp già.
Câu hỏi thường gặp
Mặc dù có thể trồng mướp hương quanh năm nhưng nếu trồng đúng vụ, mướp hương sẽ cho năng suất và chất lượng cao nhất.
Thời vụ trồng mướp hương cũng có sự khác nhau giữa hai miền, cụ thể:
Ở miền Bắc, thời vụ trồng mướp hương vào tháng 2 đến tháng 6.
Ở miền Nam, có 2 vụ trồng mướp hương chính là vụ xuân – hè và vụ đông – xuân.
Sau khi thu hoạch, nếu chưa sử dụng ngay, bạn có thể bảo quản mướp hương trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong vòng 2 – 3 ngày. Nếu không có tủ lạnh, bạn cần để mướp hương ở nơi khô ráo, thoáng mát. Với mướp hương đã được chế biến sấy, phơi khô cần tránh tiếp xúc với nước, làm ẩm mốc và gây hại cho sức khỏe khi sử dụng.
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Nguồn đóng góp
Về bài viết này
Phan Duy
Tôi là Phan Duy, năm nay 27 tuổi, một người đam mê với việc trồng cây và trồng rau. Từ khi còn nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích mãnh liệt với việc trồng cây. Đây không chỉ là một sở thích, mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày, mang đến cho tôi niềm hạnh phúc không thể nào tả được.
Tôi đã tích lũy được một chút kiến thức về trồng cây và trồng rau thông qua việc tự học và tham gia vào các khóa học tại trường lớp. Từ cách chăm sóc đúng cách, lựa chọn loại đất phù hợp, đến việc điều chỉnh ánh sáng và nước cho cây cối, tôi luôn cố gắng học hỏi và hoàn thiện khả năng của mình trong lĩnh vực này.
Hiện tại, tôi là một công tác viên tại WikiFarm, nơi tôi có cơ hội chia sẻ kiến thức của mình về trồng cây và trồng rau với cộng đồng. Tôi tin rằng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn, chúng ta có thể giúp nhau trở thành những người lành nghề hơn trong việc xây dựng những khu vườn xanh tươi.