Cùng với hành lá, ngò rí (hay còn gọi là rau mùi ta, rau ngò) là một loại rau gia vị vô cùng quen thuộc trong gian bếp của các gia đình Việt Nam. Ngò rí giúp cho món ăn trở nên thơm ngon và hấp dẫn hơn. Có nguồn gốc từ khu vực Địa Trung Hải, hiện nay, ngò rí đã được trồng phổ biến trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Phương pháp chính để trồng ngò rí là gieo hạt. Vậy cách trồng ngò rí bằng hạt có gì cần lưu ý? Mời quý bạn đọc cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây của chúng tôi!
Hướng dẫn cách trồng cây rau ngò rí (mùi ta) bằng hạt
Đặc điểm
Ngò rí là loài cây thân thảo, kích thước nhỏ, sống hằng năm. Tên khoa học của ngò rí là Coriandrum sativum.
Thân cây tròn xốp, có nhiều đốt, chiều cao trung bình khoảng 30 – 60cm. Vỏ thân có màu xanh, hơi tím. Phần gốc có màu đậm hơn so với phần ngọn, ruột thân có màu trắng.
Rễ của ngò rí thuộc loại rễ cọc, thô, hơi sần với chiều dài trung bình khoảng 10cm. Có nhiều rễ nhỏ mọc ra từ rễ chính. Rễ ăn cạn chứ không sâu cho nên khả năng chịu úng của cây khá kém.
Lá của cây mọc ra từ gốc, có màu xanh với cuống dài. Lá ở phía dưới khía thành phiến hình trái xoan, có răng còn các lá ở phía trên xẻ tua.
Hoa của ngò rí có 5 cánh không đều nhau, kích thước khá nhỏ. Tùy vào từng loại, hoa có thể có màu xanh nhạt, màu hồng hơi tím hoặc màu trắng.
Ngò rí cũng có quả hình cầu, màu xanh nhạt khi còn non, mùi hơi khó ngửi. Quả chín sẽ có màu vàng rơm hoặc nâu sáng, có mùi thơm dễ chịu hơn.
Công dụng
Trong ẩm thực, bạn có thể sử dụng ngò rí để trang trí, giúp món ăn thêm đẹp mắt. Ngoài ra, rau ngò rí còn được sử dụng để ăn kèm với salad, súp, cháo, thịt luộc, các món được làm từ cá, thêm vào các món canh, món xào, giúp món ăn được tăng hương vị.
Ngò rí cũng có thể sử dụng để làm đẹp khi ép lấy nước ngò rí và trộn với một ít bột nghệ để thoa lên mặt trước khi đi ngủ. Làn ra của bạn sẽ trở nên mềm mại, tươi sáng và giảm mụn.
Sử dụng ngò rí sẽ mang đến những công dụng cho sức khỏe con người như tăng cường hệ miễn dịch, tốt cho sức khỏe tim mạch, tốt cho gan, cải thiện thị lực, hỗ trợ điều trị mất ngủ,…
Chuẩn bị
Đất trồng
Bạn có thể trồng ngò rí trên nhiều loại đất khác nhau, miễn sao không trên đất bị nhiễm phèn nặng, đất mặn hay đất bị ngập nước. Tuy nhiên, để ngò rí có thể phát triển tốt nhất, bạn nên chọn những loại đất thịt, tơi xốp, giàu dinh dưỡng, độ pH của đất khoảng 5 – 8.
Hạt giống
Hiện nay, trên thị trường có hai giống ngò rí phổ biến là ngò chỉ và ngò bụi. Tùy thuộc vào nhu cầu mà bạn chọn loại giống nào. Bạn có thể tìm mua hạt giống ở chợ, các cửa hàng vật tư nông nghiệp hay trong các siêu thị.
Dụng cụ trồng
Nếu không có đất vườn thì cũng không sao cả khi bạn có thể tận dụng bao xi măng, chậu, khay, thùng xốp bỏ đi để trồng ngò rí. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng, dưới đáy khay, chậu, thùng xốp,… cần đục lỗ để giúp rau thoát nước, tránh ngập úng.
Kỹ thuật trồng ngò rí
Xử lý hạt giống
Hạt giống của ngò rí có vỏ khá dày, chính vì thế, trước khi gieo trồng, bạn cần xử lý hạt giống bằng cách ngâm trong nước ấm khoảng 24 – 30 giờ đồng hồ. Loại bỏ những hạt giống bị lép, nổi lên trên mặt nước. Sau khi ngâm thì bạn cần đãi các hạt giống cho hết nhớt rồi để ráo.
Sau đó, đem hạt của ngò rí đi ủ trong khăn ẩm khoảng 3 ngày rồi mới đem đi gieo.
Gieo hạt
Tiến hành gieo hạt ngò rí như sau: Cho đất trồng đã chuẩn bị vào dụng cụ trồng. Sau đó, gieo hạt đều trên đất rồi phủ một ít rơm rạ trên mặt đất để giữ ẩm. Cuối cùng, tưới một ít nước để giúp hạt giống nhanh nảy mầm và bén rễ.
Chăm sóc
Tưới nước
Ngò rí là loài rau ưa ẩm, bạn cần chú ý tưới nước thường xuyên để đảm bảo độ ẩm cho đất, thân và lá phát triển xanh tốt. Tuy nhiên, nếu tưới quá nhiều có thể dẫn đến việc ngò rí bị ngập úng, thối rễ dẫn đến chết cây. Chính vì thế, liều lượng nước tưới cũng cần phải phù hợp.
Làm cỏ
Nếu ngò rí mọc dày quá, bạn phải tỉa bớt để cho những cây còn lại có thể phát triển. Ngoài ra, cỏ dại rất dễ mọc lên và cạnh tranh dinh dưỡng với ngò rí. Chính vì thế, bạn cần phải thường xuyên nhổ cỏ cho rau.
Bón phân
Sau khi gieo hạt khoảng 7 – 10 ngày, ngò rí đã có khoảng 1 – 2 lá thì bạn có thể tiến hành bón một ít phân hữu cơ, phân bò, phân dê, phân trùn quế,… cho rau. Sau đó, cứ khoảng 7 – 10 ngày, bạn lại tiến hành bón phân cho ngò rí một lần.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Ngò rí ít khi bị sâu bệnh tấn công. Một số loại sâu bệnh bạn cần chú ý như sâu xám, sâu ăn tạp, bệnh chết cây con.
Khi phát hiện sâu bệnh, bạn nên sử dụng các biện pháp thủ công hay các loại thuốc sinh học để xua đuổi và diệt trừ. Không nên sử dụng thuốc hóa học, chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết.
Thu hoạch
Thông thường, nếu được chăm sóc cẩn thận, khoảng 30 – 40 ngày sau khi gieo, bạn đã có thể thu hoạch ngò rí. Bạn nên thu hoạch thành 2 – 3 đợt cách nhau 7 – 10 ngày. Trước khi thu hoạch, bạn cần cách ly phân bón, các loại thuốc ít nhất 7 ngày. Khi thu hoạch, bạn nên tỉa mỗi lá, chừa lại gốc để rau tiếp tục phát triển, cho thu hoạch lứa mới. Sau khi thu hoạch hết lá thì bón phân, tưới nước để gốc tiếp tục ra lá mới.
Xem thêm:
Câu hỏi thường gặp
Ở các tỉnh miền Nam, có thể trồng ngò rí quanh năm còn ở các tỉnh miền Bắc, thời vụ trồng ngò rí thường bắt đầu từ khoảng tháng 10 đến tháng 2 năm sau.
Khi sử dụng ngò rí, bạn cần lưu ý những điểm sau:
Không nên ăn quá nhiều ngò rí trong một ngày, không nên ăn ngò rí liên tục trong một thời gian dài. Việc ăn quá nhiều ngò rí có thể dẫn đến những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
Những đối tượng sau cần thận trọng khi ăn ngò rí: người đang điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường. Ngoài ra, phụ nữ đang mang bầu, những người bị bệnh về gan, người huyết áp thấp cũng không nên ăn loại rau này.
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Về bài viết này
Thu Thủy
Chuyên gia
Xin chào, tôi là Thu Thủy, một chuyên gia về vật nuôi và cây trồng với hơn 8 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Hiện tại, tôi đã 32 tuổi và đang sống tại Việt Nam. Tôi đam mê về việc nuôi và trồng các loại cây, động vật, và thường xuyên tìm hiểu về những kiến thức mới nhất liên quan đến lĩnh vực này. Tôi thích viết về những kinh nghiệm và chia sẻ kiến thức của mình với mọi người. Tôi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc quản lý vườn tược, nuôi động vật và trồng các loại cây trồng khác nhau. Tôi cũng có kiến thức về các loại thuốc thú y, phân bón và các kỹ thuật nuôi trồng hiện đại. Với niềm đam mê của mình, tôi hy vọng có thể giúp đỡ mọi người tìm thấy những thông tin hữu ích và hướng dẫn về cách trồng cây, nuôi động vật và quản lý vườn tược tốt hơn.