Cây hẹ có tên khoa học là Allium tuberosum. Đây là một loại cây nhỏ bé nhưng mang đến nhiều giá trị dinh dưỡng cho cơ thể con người. Tuy nhiên, trước tình trạng các loại nông sản bị nhiễm hóa chất đang trở nên báo động, những mớ hẹ được bày bán trên thị trường không còn đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng cho nên hiện nay, nhiều người đã sử dụng hạt giống để trồng tự trồng hẹ ngay tại nhà. Vậy cách trồng hẹ bằng hạt như thế nào? Cùng chúng tôi tìm hiểu một cách đầy đủ và chi tiết qua bài viết sau đây nhé!
Hướng dẫn cách trồng hẹ bằng hạt mọc tươi tốt
Video hướng dẫn
Đặc điểm
Hẹ là loài cây thân thảo, sống hằng năm. Chiều cao thông thường của cây hẹ là 20 – 50cm. Điều này còn tùy thuộc vào từng loại đất và mùa vụ.
Lá hẹ có hình dẹp, đầu lá nhọn, chiều dài khoảng 10 – 30cm và khá dày. Mỗi cây hẹ thường có khoảng 4 – 5 lá.
Hoa của cây hẹ có màu trắng, mọc trên một cọng hoa kéo dài hơn và có hình gần giống 3 cạnh. Cuống hoa thường có chiều dài trên 10mm. Thông thường, cây hẹ sẽ thường ra hoa vào tháng 6 – 8 dương lịch.
Khoảng tháng 8 – 10, cây hẹ sẽ cho trái. Trái hẹ khi khô sẽ có chiều dài khoảng 4 – 5mm, bên trong có chứa những hạt nhỏ màu đen, có thể đem đi trồng được.
Củ của cây hẹ có hình dáng khá giống với củ kiệu, mọc thành cụm và có nhiều rễ con.
Mùi hương của cây hẹ cũng rất đặc biệt, tạo nên nét đặc trưng cho loài cây này.
Hẹ thuộc họ hành tỏi nên sẽ có những đặc điểm sinh học giống với hành và tỏi. Những bộ phận có thể sử dụng trên cây hẹ bao gồm củ, lá và hoa.
Công dụng
Hẹ được sử dụng như một loại rau xanh trong ẩm thực Việt Nam, có thể nấu canh hoặc chế biến cùng các loại thực phẩm khác, đặc biệt là trứng. Trong hẹ có chứa rất nhiều loại vitamin, đặc biệt là vitamin A cùng nhiều khoáng chất cần thiết khác cho cơ thể con người.
Chính vì thế, sử dụng hẹ sẽ mang lại những công dụng sau đối với sức khỏe con người:
– Tăng cường khả năng tư duy: Trong lá có chứa vitamin nhóm B cần thiết cho hoạt động phát triển trí não, kích thích khả năng tư duy ở trẻ. Sử dụng lá hẹ có thể giúp tăng cường khả năng tư duy cho trẻ.
– Giúp sáng mắt, hỗ trợ thị lực: Vitamin A cùng các chất lutein, zeaxanthin hỗ trợ hoạt động thị lực, tăng cường khả năng điều tiết tầm nhìn cũng như ngăn chặn quá trình lão hóa, phòng ngừa đục thủy tinh thể.
– Hỗ trợ sự phát triển của xương khớp: Vitamin K hỗ trợ hoạt động tổng hợp osteocalcin, duy trì mật độ xương ở mức ổn định, hỗ trợ rất hiệu quả vào sự phát triển của xương khớp.
– Phòng ngừa ung thư: Trong lá hẹ có chứa lutein cùng zeaxanthin, có khả năng kìm hãm, ngăn chặn yếu tố gây ung thư cho cơ thể.
– Kích thích hệ tiêu hóa: Trong lá hẹ rất giàu chất xơ, giúp cơ thể nâng cao hiệu quả hoạt động của đường tiêu hóa, giảm tình trạng rối loạn đường ruột.
– Bảo vệ sức khỏe tim mạch: Allicin có trong lá hẹ sẽ có tác dụng điều hòa lượng cholesterol có trong cơ thể, duy trì mức huyết áp cơ thể ở mức ổn định, giảm tình trạng động mạch bị xơ vữa khiến mạch máu bị tắc.
Đọc thêm cách trồng giá đỗ đơn giản tại nhà.
Chuẩn bị
Đất trồng
Để trồng cây hẹ, bạn nên chọn những loại đất tơi xốp, thoáng khí, màu mỡ và khả năng thoát nước phải tốt. Loại đất tốt nhất là đất thịt, thịt pha cát.
Hạt giống
Hạt giống cây hẹ cần mua ở những cơ sở uy tín, chất lượng, có đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng hạt giống từ những cây hẹ vụ trước.
Dụng cụ trồng
Nếu không có điều kiện trồng trực tiếp trên đất, bạn có thể tận dụng những dụng cụ như xô, chậu, thùng xốp, bao tải xi măng để trồng hẹ. Những dụng cụ này cần phải có lỗ thoát nước, tránh tình trạng cây bị ngập úng.
Gieo hạt và trồng cây hẹ
Trước hết, bạn cần tiến hành gieo hạt. Trước khi gieo hạt, bạn có thể ngâm hạt trong nước ấm khoảng 30 - 35 độ C trong vài giờ đồng hồ. Sau đó, vớt ra và để ráo nước.
Gieo hạt trực tiếp vào khay ươm rồi tưới nước nhẹ để đảm bảo đủ độ ẩm cho hạt nảy mầm. Khoảng 7 ngày sau, hạt giống đã bắt đầu nảy mầm. Đợi đến khi cây hẹ cao khoảng 7 - 10cm thì bạn có thể mang ra trồng vào vị trí mình mong muốn.
Chăm sóc
Ánh sáng và nhiệt độ
Cây hẹ ưa ánh sáng mạnh, chính vì thế, bạn cần trồng hẹ ở những nơi có đầy đủ ánh sáng. Tuy nhiên, những ngày trời nắng nóng gay gắt, bạn có thể che chắn cho cây, tránh tình trạng cây bị cháy lá.
Hẹ cũng ưa thời tiết mát mẻ nên nhiệt độ thích hợp nhất để trồng hẹ là khoảng 20 – 25 độ C.
Tưới nước
Hẹ là loài cây ưa ẩm nên bạn cần phải tưới nước thường xuyên. Mỗi ngày, bạn nên tưới nước 2 lần cho hẹ vào sáng sớm và chiều mát, tránh tưới nước vào buổi trưa.
Bón phân
Hẹ cũng không yêu cầu quá cao về dinh dưỡng. Trong quá trình sinh trưởng và phát triển có thể sử dụng các loại phân bón hữu cơ đã ủ hoai để bón cho cây. Ngoài ra, có thể bổ sung thêm đạm cho cây để giúp lá hẹ to, xanh và tươi hơn.
Làm cỏ dại
Các loại cỏ dại sẽ cạnh tranh các chất dinh dưỡng với cây hẹ nên bạn cần chú ý làm cỏ dại thường xuyên cho cây, giúp cây thông thoáng hơn và hạn chế các loại sâu bệnh tấn công.
Phòng trừ sâu bệnh
Cây hẹ ít khi bị sâu bệnh tấn công nên việc phòng trừ sâu bệnh hại cũng không quá khó khăn. Dưới đây là một số loại sâu bệnh có thể tấn công cây hẹ:
– Sâu đục gân lá: Loại sâu này làm cho lá có màu trắng, sọc. Khi phát hiện có thể sử dụng các loại thuốc như Match 50ND, Success 25SC… để phun cho hẹ trong trường hợp cần thiết.
– Bệnh vàng lá: Cây bị bệnh sẽ có biểu hiện lá vàng theo từng chòm. Để phòng trừ bệnh, bạn cần có chế độ bón phân và tưới nước hợp lý. Khi phát hiện bệnh có thể rải tro bếp và vôi theo tỷ lệ 1:5 trên cây hẹ.
– Bệnh thối nhũn: Cây hẹ bị thối nhũn. Cách tốt nhất để phòng trừ bệnh là nhổ bỏ kịp thời những cây bị bệnh.
Thu hoạch
Khoảng 2 tháng sau khi trồng, bạn có thể thu hoạch lứa hẹ đầu tiên. Khi thu hoạch, bạn dùng dao cắt ngang gốc hẹ. Khả năng tái sinh của hẹ cũng rất dễ dàng nên khi cắt hẹ, bạn cần chừa lại 2 – 3cm trên bề mặt đất để cây tiếp tục sinh trưởng, cho thu hoạch lứa tiếp theo. Cứ khoảng 1 tháng thì bạn có thể thu hoạch một lứa mới.
Tham khảo thêm cách trồng rau mầm bằng xơ dừa có hướng dẫn chi tiết.
Câu hỏi thường gặp
Bạn hoàn toàn có thể trồng cây hẹ quanh năm, vào bất cứ thời điểm nào. Nếu bạn muốn trồng hẹ để kịp thu hoạch vào dịp Tết Nguyên Đán thì bạn nên trồng vào tháng 10 – 11 dương lịch.
Mặc dùng hẹ mang lại nhiều giá trị dinh dưỡng nhưng nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ra những tác hại nhất định. Khi sử dụng hẹ, bạn cần lưu ý như sau:
– Không nên sử dụng hẹ quá nhiều trong một khoảng thời gian ngắn, có thể gây ra một số tác dụng phụ như bốc hỏa, âm suy, bứt rứt;
– Không sử dụng hẹ chung với mật ong và thịt trâu do hẹ kiêng kỵ các loại thực phẩm này.
– Một số bài thuốc từ hẹ chỉ mang tính chất hỗ trợ điều trị bệnh chứ không có công dụng đặc trị hoàn toàn. Cần tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ, dược sĩ.
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Nguồn đóng góp
- ↑Kỹ thuật trồng và bón phân cho cây hẹ | Kinh nghiệm làm ăn
- ↑Cách Trồng Hẹ Nhanh Lớn,trồng một lần thu hoạch nhiều năm
- ↑Cách trồng Hẹ đơn giản, hiệu quả, nhanh thu hoạch
- ↑Hướng dẫn trồng Hẹ đơn giản – nhanh được thu hoạch
- ↑How to grow garlic chives (Allium tuberosum) - UNH Extension
- ↑Garlic Chives - West Coast Seeds
- ↑How to Grow and Care for Garlic Chives
Về bài viết này
Phan Duy
Tôi là Phan Duy, năm nay 27 tuổi, một người đam mê với việc trồng cây và trồng rau. Từ khi còn nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích mãnh liệt với việc trồng cây. Đây không chỉ là một sở thích, mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày, mang đến cho tôi niềm hạnh phúc không thể nào tả được.
Tôi đã tích lũy được một chút kiến thức về trồng cây và trồng rau thông qua việc tự học và tham gia vào các khóa học tại trường lớp. Từ cách chăm sóc đúng cách, lựa chọn loại đất phù hợp, đến việc điều chỉnh ánh sáng và nước cho cây cối, tôi luôn cố gắng học hỏi và hoàn thiện khả năng của mình trong lĩnh vực này.
Hiện tại, tôi là một công tác viên tại WikiFarm, nơi tôi có cơ hội chia sẻ kiến thức của mình về trồng cây và trồng rau với cộng đồng. Tôi tin rằng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn, chúng ta có thể giúp nhau trở thành những người lành nghề hơn trong việc xây dựng những khu vườn xanh tươi.