Xin chào các bạn, giai đoạn mà ngan mới nở hay dưới 3 tháng tuổi là giai đoạn mà ngan vẫn còn non nớt và sức đề kháng rất yếu cho nên không thể nuôi theo kiểu thông thường mà phải nuôi và chăm sóc đặc biệt hơn gọi là úm, hôm nay tôi sẽ giới thiệu đến các bạn cách úm ngan con nhé.
Hướng dẫn cách úm ngan con đúng kỹ thuật
Chuồng úm
Chuồng úm cho ngan không quá khác biệt so với chuồng úm cho gà hay vịt, cách làm chuồng úm cho ngan khá đơn giản, các bạn có thể tham khảo cách làm sau đây:
Nền chuồng, nên là nền xi măng hoặc nền gạch trơn để dễ vệ sinh.
Dùng lưới thép hoặc tấm cót tre để quây chuồng thành hình tròn hoặc vuông tùy theo sở thích hoặc quây sao cho phù hợp với địa hình, kích thước chỗ nuôi, vì các tấm cót hay lưới dẻo có thể quây cong nên hình dạng chuồng có thể thay đổi tùy theo nhưng chủ yếu đều là dạng quây tròn. Nếu dùng lưới thép quây thì phải dùng vải bạt để bọc ngoài lưới thép tránh gió lùa vào chuồng.
Quây chuồng úm cho ngan nên quây ở trong chuồng nuôi, trại nuôi ngan to hoặc ở trong nơi có mái che như trong lán, trong nhà, … nhưng nếu đã nuôi ngan thì phải xây dựng chuồng ngan theo quy mô trang trại, mà trong chuồng nuôi đã có khu mái che vì vậy chuồng úm nên được quây ở khu này. Các bạn có thể tham khảo bài viết cách làm chuồng nuôi ngan, vịt , gà, các con gia cầm để dễ hiểu hơn.
Kích thước chuồng tùy thuộc vào quy mô và số lượng ngan con, thường thì 1 mét vuông sẽ nuôi được khoảng từ 8 đến 10 ngan con. Vách chuồng úm thường cao từ 60 đến 80cm.
Chất độn và khử trùng
Khi làm chuồng úm xong cần phun thuốc sát trùng trước khi nuôi ngan khoảng 1 đến 2 hôm rồi mới cho chất độn chuồng vào.
Chất độn chuồng cho ngan thường là một lớp cát sau đó lót 1 lớp vỏ trấu dày từ 7 đến 10cm. Chất độn giúp cho ngan con không bị đau chân và cũng giúp chúng giữ ấm cơ thể khi vùi mình xuống vỏ trấu.
Các thiết bị cần thiết
Đầu tiên là máng ăn, uống cho ngan, bạn có thể mua các loại máng treo dành cho gia cầm hay sử dụng những khay nhỏ để đựng thức ăn, nước uống cho ngan cũng được. Máng ăn và uống nên được đặt ở khu vực giữa chuồng.
Bóng đèn vàng hoặc đèn sưởi là thứ rất cần thiết trong quá trình úm ngan vì vậy bắt buộc phải có.
Cách cho ngan con ăn
Ngan con có thể ăn các loại thức ăn như cám ngan công nghiệp, cám nấu, thóc, ngô, gạo, bã đậu, rau quả,….
Ngan dưới 1 tuần không nên cho ăn quá nhiều mà chỉ nên cho ăn cám công nghiệp dạng viên nhỏ với uống nước, sau đó mới dần cho ăn các loại thức ăn khác.
Mỗi ngày cho ngan ăn nhiều bữa nhỏ, thường thì là 4 bữa vào sáng , trưa, chiều, tối. Cho ngan con ăn đến khi diều căng lên là được, chú ý không cho ngan ăn quá nhiều vì ngan còn nhỏ có thể không hấp thụ và tiêu hóa hết thức ăn.
Cho ngan uống nước trước và sau khi ăn, khi cho uống nên lót 1 lớp nilon dưới chỗ đặt máng uống tránh nước bị rơi vãi xuống nền chuồng làm ẩm. Lưu ý là cần cho ngan uống nước trước khi ăn khoảng 3 tiếng.
Sau khi cho ngan ăn, uống xong thì lấy máng ăn, uống ra khỏi chuồng.
Nếu đặt máng tròn luôn trong chuồng để ngan uống nước thoải mái thì nên điều chỉnh lượng nước trong máng duy trì trong khoảng 35% chứ không để đầy nước trong máng uống.
Sưởi ấm
Đèn sưởi lắp cách nền chuồng khoảng 50cm và nên dùng loại đèn có công suất 10W, mỗi mét vuông trang bị 1 đèn sưởi.
Trước khi cho ngan vào chuồng cần bật sẵn đèn sưởi ở mức 37 độ C trước đó 2 tiếng để làm ấm chuồng trước sau đó mới cho ngan vào rồi giảm nhiệt độ dần :
Từ ngày đầu đến khi ngan được 1 tuần tuổi để nhiệt độ ở mức 31 đến 32 độ C.
Tuần thứ 2 nhiệt độ để ở mức 30 độ C
Tuần thứ 3 nhiệt độ để ở mức 28 đến 29 độ C
Tuần thứ 4 nhiệt độ để ở mức 26 độ C
Từ tuần 1 đến tuần 2 bật đèn sưởi 24/24 sau đó tuần 3 chỉ bật khoảng 20 tiếng 1 ngày sau đó tuần 4 giảm xuống còn 14 đến 16 tiếng 1 ngày. Sau 1 tháng thì không cần dùng đèn sưởi nữa.
Vệ sinh chuồng úm
Khi thấy chất độn có nhiều chất thải thì quét dọn và thay lớp chất độn, thường từ 3 đến 5 ngày thay chất độn 1 lần.
Khi phát hiện chất độn bị ẩm thì phải thay luôn vì ngan con khi sống trong môi trường có độ ẩm cao dễ mắc các bệnh như viêm da, viêm lông,…
Máng thức ăn và nước uống phải được rửa sạch mỗi khi cho ngan ăn để tránh cho ngan ăn phải các chất bẩn hay mốc hình thành từ các thức ăn thừa đọng trên máng.
Cho ngan hoạt động ngoài trời
Sau khoảng 10 ngày nuôi thì có thể thả ngan con cho chúng đi loanh quanh trong sân vườn để chúng vầy nước, hoạt động,… nên thả vào các giờ gần trưa hoặc giữa chiều, tránh thả vào sáng sớm hoặc tối muộn vì ngan có thể bị ốm do sương.
Thả kiểu này giúp ngan có sức đề kháng tốt hơn và thịt chắc hơn, xương cũng chắc khỏe hơn so với ngan bị nhốt suốt trong chuồng.
Úm ngan mùa hè và đông
Vào mùa hè nắng nóng thì nếu úm ngan không cần dùng đèn sưởi mà nên chú ý để chuồng thông thoáng, không bị bí khí, có thể thay tấm quây chuồng bằng lưới thép mắt nhỏ nếu đang dùng cót để quây.
Vào mùa đông thời tiết lạnh thì cần bật đèn sưởi và quây thêm vải bạt để tránh gió lùa ở ngoài vách chuồng, hạn chế gió lùa vào chuồng, có thể chuyển vị trí chuồng úm đến các chỗ kín gió.
Tiêm phòng và thuốc cho ngan
Khi ngan được từ 1 đến 3 ngày tuổi thì cho ngan uống nước pha với các loại thuốc chứa chất điện giải như Cloco K, Gluco C và kháng sinh gia cầm, vitamin C, Glucamin.
Khi ngan được 5 ngày tuổi thì tiêm thuốc phòng bệnh viêm gan virut cho ngan, nên tiêm dưới cánh.
Khi ngan được 8 đến 10 ngày tuổi thì cho ngan uống thuốc phòng bệnh hen.
Khi ngan được 12 đến 15 ngày tuổi thì tiêm phòng dịch tả cho ngan.
Khi ngan được 20 ngày tuổi tiêm thuốc phòng tụ huyết trùng lần 2 và cho ngan uống bổ sung các chất vitamin C, Glucamin.
Khi ngan được 22 đến 25 ngày tuổi tiêm thuốc kháng sinh gia cầm cho ngan
Khi ngan được 1 tháng tuổi tiêm vaccine cúm gia cầm cho ngan
Khi ngan được hơn 2 tháng tuổi ( khoảng 2 tháng rưỡi ) tiêm vaccine phòng bệnh tụ huyết trùng lần 2. Và tiêm vaccine cúm gia cầm lần 2.
Khi ngan được 3 tháng tuổi : Tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả lần 2.
Lời kết
Vậy là chúng ta đã cùng nhau tìm hiểu về cách úm ngan con, các bạn có thể đọc và tham khảo, có thể thấy úm ngan con không quá khó nhưng người nuôi cần bỏ nhiều thời gian và tận tâm chăm sóc để đàn ngan của mình phát triển khỏe mạnh, to béo, bán được giá nhất có thể. Chúc các bạn thành công!.
Xem thêm:
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Lời khuyên
Về bài viết này
Tiến Thành
Tôi là Tiến Thành, hiện nay đã 25 tuổi và đang là sinh viên tại trường Đại học Y Hà Nội. Ngoài Y Khoa, tôi luôn có một tình yêu đặc biệt dành cho động vật, đặc biệt là với những chú mèo đáng yêu.
Tôi cũng là một cộng tác viên trên trang hướng dẫn nuôi trồng trực tuyến WikiFarm. Tôi luôn mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với mọi người về việc chăm sóc động vật. WikiFarm đã mang lại cho tôi cơ hội để góp phần mang lại những thông tin hữu ích và bổ ích cho những người yêu thú cưng.
Cảm ơn mọi người đã dành thời gian để tìm hiểu về tôi. Tôi luôn sẵn sàng để học hỏi và chia sẻ, và hy vọng rằng tôi có thể đóng góp nhiều điều tốt đẹp hơn cho cộng đồng trong tương lai.