Bắp (hay còn gọi là Ngô, tiếng địa phương Quảng Bình còn gọi là Sạu) có tên khoa học Zea mays. Đây là một trong những loại cây lương thực có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống con người. Hình ảnh những quả bắp nằm trên đồi đã đi vào trong những tác phẩm văn học như “Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm. Vậy cách trồng bắp ngô liệu có khó hay không? Cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé!.
Hướng dẫn cách trồng bắp ngô đúng kỹ thuật
Đặc điểm
Bắp là loài cây thân thảo, sống hằng năm. Thân cây vươn thẳng, lõi đặc và ít phân nhánh. Chiều cao trung bình của bắp khoảng 1.5 – 3m. Thân cây chia thành các lóng, trung bình mỗi cây bắp có khoảng 20 lóng.
Rễ của bắp thuộc loại rễ chùm, bao gồm các loại rễ: rễ mầm, rễ thứ cấp, rễ thật sự, rễ ký sinh.
Lá của bắp mọc từ các mắt trên thân, gồm các bẹ lá mọc ôm lấy thân và xe kẽ nhau. Số lá tương ứng với số mắt thân. Trung bình mỗi cây sẽ có khoảng 10 – 20 lá. Ngoài ra, bắp còn có thêm lá bi (hay còn gọi là lá mo hay vỏ trái bắp). Lá này có chức năng là bao học trái bắp, chiều dài khoảng 10 – 40cm. Mỗi trái bắp thường sẽ được bao bọc bởi 7 – 14 lá bi.
Hoa của bắp hay còn gọi là bông cờ, đây là phần hoa đực của cây bắp, thường nở ở đỉnh cây. Bông cờ thường nhỏ nên được gọi là bông chét. Bông cờ được xếp thành chùm gồm một trục chính với nhiều nhánh.
Trái bắp thực chất là hoa cái của cây, thông thường một cây chỉ có 1 – 2 bắp. Bên trong trái bắp có lõi và hạt. Phía trên đỉnh của trái bắp là râu bắp, giống như một búi tóc. Hạt bắp có kích thước giống như hạt đậu Hà Lan, bám chặt với nhau trong trái bắp xung quanh lõi. Một trái bắp có thể chứa từ 200 – 400 hạt. Hạt bắp có màu vàng và trắng là chủ yếu.
Công dụng
Cây bắp có nguồn gốc từ Mexico. Hiện nay, cây bắp đã được trồng phổ biến trên toàn thế giới, là một loại cây lương thực quan trọng, được sử dụng nhiều thứ hai sau lúa gạo.
Bắp có thể chế biến thành nhiều món ăn thơm ngon hấp dẫn như bắp luộc, bắp nướng, nấu cháo, làm bánh, làm bỏng, nấu chè, nấu xôi, làm salad, nấu súp,… Ngoài ra, người ta còn sử dụng bắp để làm thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Bắp có chứa tinh bột, chất xơ, carbohydrate, các loại vitamin cùng các khoáng chất khác.
Khi sử dụng bắp sẽ mang lại những công dụng sau:
Cải thiện thị lực, tốt cho mắt: Bắp có chứa những chất chống oxy hóa, nâng cao sức khỏe đôi mắt, hạn chế thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể ở mắt.
Ngăn ngừa bệnh Alzheimer ở người già: Vitamin B1 có trong bắp giúp tăng cường chức năng não bộ, tổng hợp acetylcholin, cải thiện trí nhớ.
Ngăn ngừa ung thư: Bắp chứa lượng lớn chất xơ làm giảm cholesterol xấu trong cơ thể, ngăn ngừa ung thư ruột kết, cải thiện chức năng phổi, ngăn ngừa ung thư phổi.
Tốt cho phụ nữ mang thai: Bắp có chứa những dưỡng chất như zeaxanthin, axit folic giúp phòng ngừa biến chứng dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
Ngoài ra, thân cây ngô (bắp) có thể làm thức ăn cho trâu bò, việc tận dụng này sẽ tiết kiệm được rất nhiều công sức trong việc chăn nuôi & đảm bảo nguồn thức ăn cho trâu bò được đầy đủ, đa dạng hơn.
Chuẩn bị
Hạt giống
Gieo hạt là phương pháp trồng bắp phổ biến nhất. Để có thể mua được những hạt giống chất lượng, tỷ lệ nảy mầm cao, bạn cần đến những cơ sở uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Một số giống bắp có năng suất cao, khả năng chịu lanh tốt như NK4300, CP333, LVN885,… Số lượng hạt giống phù hợp với diện tích đất mà mình có.
Đất trồng
Đất trồng bắp cần tơi xốp, giàu dinh dưỡng, được cày bừa kỹ, dọn sạch cỏ dại. Bón lót cho đất bằng các loại phân chuồng hữu cơ đã ủ hoại mục, phân vi sinh.
Sau khi cày bừa kỹ thì cần tạo luống. Luống trồng bắp có chiều rộng khoảng 1,2m, rãnh rộng khoảng 30 – 40cm, độ sâu khoảng 20 – 25cm. Ngoài ra, bạn cần dùng cuốc để rạch các hàng trên mặt luống để gieo hạt, mỗi hàng sâu khoảng 2 – 3cm, mỗi hàng cách nhau 30cm.
Kỹ thuật trồng bắp
Xử lý hạt giống
Bạn cần ngâm hạt giống trong nước sạch khoảng 8 – 10 giờ đồng hồ. Sau đó, đem hạt giống đi ủ trong khăn ẩm hoặc ủ cùng cát. Khoảng 20 – 24 giờ sau thì hạt bắt đầu nứt nanh thì bạn có thể đem đi gieo. Không để rễ mầm quá dài rồi mới đem đi trồng, rất dễ bị gãy khi gieo.
Kỹ thuật trồng
Gieo hạt trực tiếp trên các hàng nhỏ mà bạn đã rạch. Mỗi hạt cách nhau khoảng 7 – 15cm. Sau khi tra hạt theo hàng xong thì lấp đất mỏng. Không lấp quá dày làm hạt giống khó nảy mầm. Cuối cùng tưới nước cho ẩm đất.
Trồng dặm
Khoảng vài ngày sau, bắp bắt đầu nảy mầm và phát triển. Có một số chỗ, hạt giống sẽ bị thối và không nảy mầm được. Bạn cần tiến hành trồng dặm, gieo hạt thay thế để cho bắp được đều hơn. Sau đó, tiếp tục chăm sóc cẩn thận để bắp cho thu hoạch.
Chăm sóc
Chế độ nước
Độ ẩm thích hợp nhất để bắp sinh trưởng và phát triển tốt là khoảng 70 – 80%. Giai đoạn cây mới trồng, chú ý tưới nước mỗi tuần 1 lần cho cây. Khi cây đã phát triển ổn định thì tần suất tưới nước tùy thuộc vào điều kiện thời tiết, khoảng 2 – 3 tuần tưới nước 1 lần là được.
Chế độ phân bón
Sử dụng phân chuồng, đạm ure cùng Super lân để bón cho bắp hoặc thay thế bằng phân NPK. Trong giai đoạn cây sinh trưởng và phát triển, có thể chia thành 3 lần bón thúc như sau:
- Bón thúc lần 1 ki cây bắp có khoảng 3 – 4 lá, bón cách gốc 5 – 10 cm.
- Bón thúc lần 2 khi cây bắp có khoảng 7 – 8 lá, bón cách gốc 10 – 15 cm.
- Bón thúc lần 3 khi cây bắp xoắn nõn, bón cách gốc 15-20 cm.
Khi bón phân, bạn cần lưu ý rằng, bón phân đến đâu vun lấp ngay sau đó, không để phân tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp.
Làm cỏ
Cỏ dại rất dễ sinh trưởng và cạnh tranh chất dinh dưỡng trực tiếp với bắp. Bạn nên tiến hành các đợt làm cỏ kết hợp với bón phân để giúp cây thông thoáng hơn, hạn chế sâu bệnh.
Phòng trừ sâu bệnh
Trong quá trình sinh trưởng và phát triển, cây bắp có thể bị một số loại sâu keo mùa thu, sâu đục thân tấn công.
Đối với sâu keo mùa thu, để phòng ngừa, bạn cần kiểm tra ruộng bắp thường xuyên. Khi phát hiện sâu phá hoại với mật độ cao, bạn có thể phun một số loại thuốc (như Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP,…) cho cây.
Đối với sâu đục thân, nên chọn những giống bắp có khả năng chống chịu sâu đục thân, gieo trồng đúng vụ. Khi phát hiện có thể bắt sâu bằng bằng tay, nếu mật độ cao có thể sử dụng một số loại thuốc như Voliam Targo 063SC, Patox 95SP, Enasin 32WP,…
Bên cạnh đó, bắp cũng thể bị bệnh đốm lá. Khi phát hiện bệnh, bạn nên ngắt bỏ lá bệnh, nếu tỷ lệ bệnh cao thì có thể phun các loại thuốc như Anvil 5SC, Tilt 250ND,…
Lưu ý: Một số nơi đan xen việc trồng cây dâu tằm, kết hợp với trồng ngô. Bởi vậy, việc sử dụng thuốc trừ sâu có thể ảnh hưởng đến cây dâu tằm, khi tằm ăn lá dâu có thể dẫn đến tằm chết.
Thu hoạch
Khoảng 3 – 4 tháng sau khi gieo hạt thì bạn có thể thu hoạch bắp. Việc thu hoạch bắp như thế nào còn phụ thuộc vào mục đích sử dụng của bạn. Nếu bạn muốn thu hoạch bắp non thì có thể thu hoạch sớm. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi bắp đã chín già, râu bắp khô, lá chuyển sang màu vàng rơm.
Xem thêm:
Câu hỏi thường gặp
Nhiệt độ thích hợp nhất để cây bắp sinh trưởng và phát triển tốt là khoảng 18 – 30 độ C. Chính vì thế, bạn cần lựa chọn thời điểm phù hợp để trồng bắp.
Ngoài ra, khí hậu nước ta có sự khác nhau giữa 2 miền Nam – Bắc, trong đó miền Bắc có khí hậu mùa đông lạnh nên thời vụ trồng bắp giữa 2 miền cũng có sự khác nhau.
Sau khi thu hoạch, bạn nên sử dụng ngay để bắp được tươi ngon và đảm bảo các chất dinh dưỡng còn nguyên vẹn. Nếu chưa sử dụng ngay, bạn có thể bọc trái bắp bằng màng bọc thực phẩm và bảo quản trong tủ lạnh. Ngoài ra, bạn cũng có thể sấy hoặc phơi khô bắp rồi bảo quản ở trong túi nilon kín, ở nơi khô ráo, thoáng mát, không ẩm ướt.
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Nguồn đóng góp
Về bài viết này
Phan Duy
Tôi là Phan Duy, năm nay 27 tuổi, một người đam mê với việc trồng cây và trồng rau. Từ khi còn nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích mãnh liệt với việc trồng cây. Đây không chỉ là một sở thích, mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày, mang đến cho tôi niềm hạnh phúc không thể nào tả được.
Tôi đã tích lũy được một chút kiến thức về trồng cây và trồng rau thông qua việc tự học và tham gia vào các khóa học tại trường lớp. Từ cách chăm sóc đúng cách, lựa chọn loại đất phù hợp, đến việc điều chỉnh ánh sáng và nước cho cây cối, tôi luôn cố gắng học hỏi và hoàn thiện khả năng của mình trong lĩnh vực này.
Hiện tại, tôi là một công tác viên tại WikiFarm, nơi tôi có cơ hội chia sẻ kiến thức của mình về trồng cây và trồng rau với cộng đồng. Tôi tin rằng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn, chúng ta có thể giúp nhau trở thành những người lành nghề hơn trong việc xây dựng những khu vườn xanh tươi.