Khoai lang có tên khoa học là Ipomoea batatas, thuộc họ Bìm bìm. Khoai lang là một loại cây lương thực giàu chất dinh dưỡng. Khoai lang thường được trồng để lấy củ, thực chất củ khoai lang là phần rễ của cây, tuy nhiên, nó đã biến đổi, phình to ra để dự trữ các chất dinh dưỡng. Hiện nay, trên thế giới, khoai lang được trồng nhiều ở những vùng nhiệt đới và cận nhiệt. Ở Việt Nam, khoai lang đã được trồng từ rất lâu. Câu chuyện cổ tích về cây khoai lang xuất hiện trong văn học dân gian Việt Nam gắn liền với lòng hiếu thảo. Khoai lang cũng có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, được nhiều người yêu thích. Việc trồng khoai lang còn mang lại hiệu quả kinh tế cao do nó cũng khá dễ trồng mà lại cho thu hoạch với năng suất lớn. Sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ cho quý bà con những kinh nghiệm về cách trồng khoai lang bằng dây qua bài viết sau đây nhé!
Hướng dẫn cách trồng khoai lang bằng dây đúng kỹ thuật
Đặc điểm
Khoai lang là một loài cây thân bò, sống lâu năm. Chiều dài của thân cây khoảng 2 – 3m. Củ khoai lang từ rễ phình to ra, thuôn dài, vỏ nhẵn nhụi, có màu đỏ, trắng hoặc vàng. Lá khoai lang có cuống dài, nhiều hình dạng, thông thường là hình trái tim xẻ 3 thùy. Hoa của khoai lang có màu tím, có hình chuông và thường mọc ở nách lá hoặc đầu ngọn.
Khoai lang là một loài cây lương thực, bộ phận sử dụng chủ yếu là củ và lá. Củ khoai lang có chứa chất xơ, vitamin và chất khoáng. Chính vì thế, việc sử dụng khoai lang sẽ rất tốt cho sức khỏe tim mạch, cải thiện hệ thống miễn dịch, hỗ trợ hệ tiêu hóa, hỗ trợ thị lực cũng như ngăn ngừa và phòng chống ung thư. Củ khoai lang có thể luộc, chiên hay chế biến thành các món ăn như xôi, chè,… Lá của cây khoai lang cũng được sử dụng nhiều như một loại rau. Ngoài ra, lá khoai lang còn được sử dụng để làm thức ăn trong chăn nuôi.
Chuẩn bị
Đất trồng
Bạn có thể trồng khoai lang trên nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để trồng khoai lang, bạn nên chọn đất cát pha có tỉ lệ mùn cao hoặc đất thịt nhẹ, tơi xốp, độ pH từ 4,5 – 7,5. Khả năng thoát nước của đất cũng phải tốt, đất thông thoáng. Đất là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến hình dạng của củ.
Dây khoai lang giống
Dây khoai lang giống rất dễ kiếm. Bạn có thể mua ở chợ, các nhà vườn hay xin của những người trồng khoai lang khi họ thu hoạch. Lựa chọn những dây khoai lang có lá tươi tốt, không bị sâu bệnh. Thời điểm thích hợp nhất để cắt dây khoai lang là buổi chiều, trời khô ráo không mưa. Khi cắt, bạn dùng dao cẩn thận để dây giống không bị gãy nát. Mỗi dây giống có độ dài khoảng 25 – 35cm, có 5 – 8 đốt thân.
Phân bón, cuốc, cào, xẻng, bình tưới nước.
🌾🌾🌾 Bài viết được quan tâm nhiều tại WikiFarm: Hướng dẫn về cách trồng cây kê kết quả hơn cả mong đợi.
Làm đất
Bạn nên trồng khoai lang ở những nơi gần nguồn nước, tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu. Trước khi trồng khoai lang, đất phải cày bừa thật kỹ để tạo độ tơi xốp cũng như giúp đất thông thoáng hơn. Đồng thời làm sạch cỏ dại cho đất. Sau khi làm đất thì tiến hành lên luống theo chiều dốc của mảnh đất trồng khoai lang. Mỗi luống có độ rộng 1,2 – 1,5m tính cả rãnh và chiều cao khoảng 35 – 40cm.
Trồng cây
Sau khi đã lên luống hoàn chỉnh và chuẩn bị đầy đủ dây khoai lang giống thì bạn bắt đầu trồng khoai lang. Trước hết, bạn cần rạch 1 đường ở chính giữa luống với độ sâu khoảng 10 – 15cm. Bón lót một lớp phân bón hữu cơ mỏng rồi phủ một lớp đất nhẹ lên trên. Sau đó, đặt dây khoai lang giống vào rồi lấp đất lại. Trồng khoai lang theo hàng đơn, dọc theo chiều dài của luống, dây khoai lang sau nối đuôi dây trước. Sau khi trồng thì tưới cho khoai lang một lượt nước.
Chăm sóc
Ánh sáng và nhiệt độ
Khoai lang là loài cây ưa sáng, thời gian chiếu sáng mỗi ngày là khoảng 8 – 10 giờ. Cường độ ánh sáng mạnh tạo thuận lợi cho sự sinh trưởng của cây. Ánh sáng yếu có tác dụng kích thích ra hoa nên ở giai đoạn ra hoa, bạn có thể che chắn cho khoai lang.
Nhiệt độ thích hợp nhất cho sự sinh trưởng và phát triển của khoai lang là từ 21 – 25 độ C. Nếu nhiệt độ hạ thấp xuống dưới 10 độ C, lá khoai lang sẽ chuyển thành màu vàng và cây sẽ chết.
Tưới nước
Việc tưới nước cho khoai lang vô cùng quan trọng. Nếu cây bị thiếu nước sẽ chậm phát triển, lá héo úa, lâu ngày sẽ chết còn nếu thừa nước thì lá vàng, dễ bị thối rễ, thối củ cũng như tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển. Bạn cũng cần phải có phương pháp tưới nước hiệu quả, thông thường sẽ tưới rãnh nước. Bạn cho nước vào rãnh khoảng 1/3 độ cao của luống, nước từ rãnh sẽ ngấm dần vào các luống.
Bón phân
Khi trồng khoang lang, bạn cần sử dụng phân chuồng đã ủ hoai mục, phân xanh, rơm rạ ủ… để bón lót. Nếu bón thúc cho cây, bạn có thể sử dụng các loại phân đạm, kali hoặc phân chuồng. Bón thúc lần 1 sau khi trồng được 25 – 30 ngày còn bón thúc lần 2 khi cây được 45 – 60 ngày. Bón vào 2 bên luống, xới nông và vun kín gốc. Nếu dây khoai lang quá dài có thể vắt lên trên rồi bón. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng một số chế phẩm sinh học giúp cây kích thích ra rễ, phát triển thân và lá.
Bấm ngọn
Việc bấm ngọn nhằm mục đích để chất dinh dưỡng tập trung nhiều vào rễ, kích thích củ phát triển. Bạn cần bấm ngọn khi cây đã trồng được khoảng 20 – 30 ngày bằng cách dùng tay ngắt phần ngọn khoảng 1 – 2cm. Khi cây đã phát triển tốt, càng lá lan rộng thì bạn vẫn cần bấm ngọn để cây tập trung dinh dưỡng nuôi củ.
Làm cỏ
Cỏ dại sẽ cạnh tranh ánh sáng và dinh dưỡng với khoai lang cũng như là môi trường cho sâu bệnh phát triển. Bạn cần làm cỏ thường xuyên, kết hợp với việc vun xới đất.
Nhấc dây, tỉa nhánh
Khi dây khoai lang mọc dài, bò lên mặt đất nên các rễ phụ sẽ mọc nhiều, bám trên đất làm chất dinh dưỡng sẽ bị phân tán, không tập trung vào củ. Cho nên, bạn cần phải nhấc dây bằng cách nhẹ nhàng nhấc những dây bò ra rãnh rồi vắt dây theo chiều này của luống, cẩn thận dể cây không bị dập.
Mỗi lần nhấc dây, bạn nên kết hợp với việc tỉa nhánh để kích thích cây ra nhiều củ to, đều. Mỗi dây khoai chọn 1 – 3 nhánh dài, nhánh già, ở sát đất và cắt xa gốc từ 15 – 20cm.
🌱🌱🌱 Chia sẻ và giới thiệu bạn đọc cách trồng đinh lăng trong chậu đúng kỹ thuật.
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu đục dây
Sâu đục dây sẽ chui vào cuống củ làm cho thân phình to, gây ảnh hưởng nghiêm trọng ở thời kỳ hình thành củ. Khi phát hiện dây khoai lang bị đục thì lấp đất, lấp kẽ nứt để chúng không thể chui lên, sử dụng một số loại thuốc đặc trị trừ sâu.
Sâu ăn lá
Sâu ăn lá có màu xanh lục, có 1 mũi nhọn ở đuôi, nở ra từ trứng sẽ gặm lá khoai lang làm rách thủng lá, ảnh hưởng đến quá trình quang hợp cũng như năng suất của củ khoai lang. Khi phát hiện sâu, có thể sử dụng các loại thuốc đặc trị trừ sâu.
Ngoài ra, bọ phấn trắng, sâu cuốn búp, bọ cánh cứng, mọt có sừng cũng là những loài côn trùng có khả năng gây hại cho khoai lang.
Bệnh bọ hà
Bọ hà tấn công khoai lang, gây ra bệnh bọ hà trên khoai lang. Biểu hiện của cây bị bệnh bọ hà là trên bề mặt củ có nhiều lỗ thủng hình tròn, quả phình to, dị dạng. Để phòng trừ bệnh bọ hà, bạn cần lựa chọn giống kỹ lưỡng, không bị bệnh, thường xuyên nhổ cỏ, xới xáo đất, sử dụng một ố loài thiên địch như kiến, nhện để bắt bọ hà.
Bệnh thối đen
Bệnh thối đen sẽ tạo thành những vết thối lồi lõm ở gốc dây, củ. Để phòng trừ, bạn cần chọn những dây giống khoai lang khỏe mạnh, luân canh trồng khoai lang, tưới nước hợp lý.
Thu hoạch
Bạn có thể thu hoạch khoai lang khi phần gốc của cây bắt đầu ngả sang màu vàng. Thông thường là khoảng 3 – 4 tháng sau khi trồng. Đào thử một vài củ khoai để kiểm tra thì củ sẽ có vỏ nhẵn, ít nhựa. Lựa chọn những ngày nắng ráo để thu hoạch. Trước khi thu hoạch cần cắt dây. Khi đào củ cần tránh làm củ bị xây xước, không bảo quản được lâu.
🍅🍅🍅 Ngoài ra, WikiFarm muốn chia sẻ cho nông dân nhà phố về cách trồng cà chua trong thùng xốp rất hiệu quả, đặc biệt phù hợp với nhà có ít diện tích.
Câu hỏi thường gặp
Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa của nước ta tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng khoai lang quanh năm. Tuy nhiên, trồng khoai lang đúng thời vụ sẽ giúp bạn có được những củ khoai lang năng suất và chất lượng. Thời vụ trồng khoai lang sẽ phụ thuộc vào loại giống. Nếu giống khoai lang dài ngày thường sẽ trồng vào vụ Đông Xuân còn những giống khoai lang trung và dài hạn thường sẽ trồng vào vụ Hè Thu và vụ Đông.
Bạn cần bảo quản đúng cách để giúp khoai lang để được lâu hơn. Khoai lang cần phải được để ở nơi tối, tránh ánh sáng trực tiếp, tránh mưa nắng và tránh nhiệt độ cao. Không bảo quản khoai lang lẫn với khoai tây. Thường xuyên kiểm tra khoai, loại bỏ những củ bị thối hỏng, tránh làm lây lan sang những củ khác. Bọc khoai lang bằng giấy báo, cho vào trong hộp carton lót giấy báo bên dưới hay vùi vào cát khô cũng là một trong những cách bảo quản khoai lang hiệu quả, giúp khoai để được lâu mà không mọc mầm.
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Về bài viết này
Phan Duy
Tôi là Phan Duy, năm nay 27 tuổi, một người đam mê với việc trồng cây và trồng rau. Từ khi còn nhỏ, tôi đã có niềm yêu thích mãnh liệt với việc trồng cây. Đây không chỉ là một sở thích, mà còn là một phần của cuộc sống hàng ngày, mang đến cho tôi niềm hạnh phúc không thể nào tả được.
Tôi đã tích lũy được một chút kiến thức về trồng cây và trồng rau thông qua việc tự học và tham gia vào các khóa học tại trường lớp. Từ cách chăm sóc đúng cách, lựa chọn loại đất phù hợp, đến việc điều chỉnh ánh sáng và nước cho cây cối, tôi luôn cố gắng học hỏi và hoàn thiện khả năng của mình trong lĩnh vực này.
Hiện tại, tôi là một công tác viên tại WikiFarm, nơi tôi có cơ hội chia sẻ kiến thức của mình về trồng cây và trồng rau với cộng đồng. Tôi tin rằng thông qua việc chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn, chúng ta có thể giúp nhau trở thành những người lành nghề hơn trong việc xây dựng những khu vườn xanh tươi.