Cá chép giòn là một trong những dòng cá nước ngọt xuất hiện chủ yếu ở khu vực châu Á và châu Âu. Cá chép giòn hiện nay đã trở thành một trong những sự lựa chọn hàng đầu của thực khách với hương vị thơm ngon, thịt cá giòn giòn đưa miệng. Với tính chất mang lại giá trị kinh tế cao và tiềm năng tiêu thụ lớn, nên nhiều hộ gia đình đã chuyển sang nuôi loại cá này. Tuy nhiên, việc nuôi được cá chép giòn đạt chất lượng cao không phải điều đơn giản mà cần rất nhiều kinh nghiệm và kỹ năng. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về loại cá này và cách nuôi chúng. Để cá xuất bán thực sự đạt được độ giòn và chất lượng tương xứng với giá trị kinh tế, các bạn không nên bỏ qua bài viết này.
Hướng dẫn cách nuôi cá chép giòn nhờ ăn hạt đậu tằm
Nguồn gốc
Cá chép giòn là một loài cá khởi nguồn từ nước Nga, thịt của chúng có hương vị rất đặc biệt, giòn và ngọt giống với thịt tôm nhờ loại thức ăn đặc biệt là hạt đậu tằm. Vì vị không quá tanh nên bạn có thể ăn sống cùng mù tạt hoặc làm gỏi. Vậy cá chép giòn và cá chép thường khác nhau thế nào? Loài cá chép này có đặc trưng với chất thịt dai, giòn, săn chắc, bụng không có mỡ.
Đặc điểm
Ngoại hình
Cá chép giòn có ngoại hình khá đặc biệt. Thân của chúng dài và thuôn, chiều dài trung bình từ 50 – 80cm/con. Lưng cá chép giòn hơi cong nhẹ, vây lưng khá cứng và được trải dài từ đỉnh lưng đến gần phần đuôi, vây bụng và vây mang của giống này thì khá là mềm, vây hậu môn thì dài và cân xứng. Khác với loài cá chép thông thường có thân tròn trịa, thân cá chép giòn dài và nhỏ ngang hơn. Cá chép giòn có phần lưng màu xanh đen, phần bụng ngang có màu vàng xám, bụng dưới có màu trắng bạc. Màu sắc trên thân cá chép giòn cũng có phần nhạt hơn cá chép thường.
Hành vi, tập tính
Cá chép giòn sống theo nhóm, thường có từ 5 con trở lên, và có tập tính sống thành bầy đàn. Cá chép giòn là loài cá ăn tạp. Chúng gần như có thể ăn mọi thứ khi chúng bơi ngang qua, bao gồm cả các loại thực vật thủy sinh, côn trùng, sinh vật phù du,… Cá chép giòn thích sống ở tầng đáy, ở đây nó có thể phát triển nhanh và khỏe mạnh.
Cách chọn cá, vận chuyển cá và thả cá
Cách chọn cá
Lựa chọn tối ưu khi mua cá là những con cá giống có trọng lượng rơi vào khoảng 0,8 đến 1kg, nếu chọn cá giống nhỏ thì bạn sẽ mất khoảng 3 năm. Ngoài ra, để tránh việc đàn cá tranh giành thức ăn với nhau dẫn đến bị thương thì bạn có thể chọn mua những lứa có kích thước đồng đều. Mỗi năm bạn có thể nuôi thả loài cá này cỡ 1 hoặc 2 vụ, mỗi lần nuôi khoảng 3 đến 5 tháng là có thể thu hoạch.
Vận chuyển cá
Trước khi vận chuyển cá chép giòn về ao nuôi, bạn nên cho chúng nhịn ăn 1 ngày. Giống cá này có kích thước đáng kể vậy nên khi vận chuyển thì cũng gặp một số khó khăn, chẳng hạn như bạn phải liên tục cấp oxy vào nước để tránh việc cá mệt mỏi hay thậm chí tử vong, một lời khuyến nghị là bạn nên sử dụng hình thức vận chuyển hở có sục khí.
Khi vận chuyển cá thì trong thùng chỉ nên chứa cỡ 70 đến 80 kg/m2, bạn có thể xem xét vận chuyển nhiều lần hoặc chia ra vào các thùng nhỏ với 20 lít nước và 10 con cá trong mỗi thùng. Nếu bạn vận chuyển cá vào mùa hè thì nên dùng đá lạnh để hạ bớt nhiệt độ của nước. Nhiệt độ thích hợp nhất rơi vào khoảng 20 – 25 độ C. Bạn cũng nên chọn thời gian vào sáng sớm hoặc chiều muộn để tiến hành vận chuyển cá chép giòn.
Thả cá
Khi thả cá, hãy lưu ý không nên để quá nhiều con trong cùng một khu vực, nếu mật độ cá trong môi trường quá cao có thể dẫn đến việc chúng tranh giành thức ăn và gây ra xây xước trên cơ thể. Nếu trong nhà có ao, hãy giữ cho mỗi m2 chỉ có từ 05 đến 1 con còn nếu bạn nuôi cá trong lồng bè thì hãy giữ giãn cách từ 0,5 đến 0,7 con trên mỗi m2.
Bên cạnh đó thì bạn cũng cần chú tâm đến việc phòng trừ bệnh và tăng khả năng thích nghi cho cá trước khi thả xuống nước. Ví dụ, bạn có thể cho cá ngâm khoảng 10 phút trong bể nước muối pha loãng từ 2 đến 3% hoặc bể nước pha thuốc tim với liều lượng 30 đến 50g/m2.
Để tránh việc cá bị sốc nhiệt nước ao và môi trường nuôi, bạn nên ngâm túi cá xuống ao nuôi từ 5 – 10 phút trước khi thả. Sau đó mở miệng túi, ấn dìm một nửa miệng túi xuống nước, cho nước ngoài ao từ từ vào túi, nếu thấy cá khỏe, bơi ngược dòng nước thì thả cá ra ao.
Môi trường sống
Chuẩn bị ao nuôi cá
Nuôi con gì cũng vậy, bạn nên tìm hiểu trước về môi trường sống phù hợp cho con vật của mình, đối với loài cá chép giòn thì bạn hãy xem xét nuôi chúng bằng bể làm từ xi măng, ao đất hoặc lồng bè. Đây là các loại bể phù hợp nhất để nuôi giống cá này. Thông thường, ao nuôi là mô hình được đa số người dân lựa chọn. Sau đây là một vài tiêu chí cơ bản để bạn có thể thiết kế ao nuôi cá chép giòn thuận tiện cho việc sinh sống của loài cá này:
Vị trí: Vì đây là giống cá có giá trị kinh tế cao nên bạn nên xây dựng ao nuôi gần nhà để tiện quản lý chăm sóc, và nên dựng chòi nếu vị trí của ao không gần nhà bạn. Ao nên gần đường đi lại để thuận tiện trong quá trình vận chuyển cá giống, thức ăn.
Khi chuẩn bị ao thì bạn cần nhớ rằng loài cá này có kích thước khá là lớn vì vậy mà ao cá cần phải có diện tích tối thiểu cỡ 2000 đến 5000 mét vuông và độ sâu hơn 2 mét là phù hợp.
Tất nhiên là khi nuôi cá thì bạn cũng cần thay nước thường xuyên để đảm bảo vệ sinh cho môi trường sống của chúng. Vì thế, hãy tìm vị trí ở gần nguồn nước sạch để đặt ao cá. Cần tránh các mạch nước ngầm vì rất có thể chứa các thành phần kim loại nặng độc hại cho cá mà bạn khó nhận biết.
Một trong những điểm đặc biệt ở loài cá này là khi làm ao cá, bạn cần lót bạt, kè đá hoặc lát xi măng vì loại thức ăn phổ biến cho cá chép giòn là đậu tằm, là dạng thức ăn hữu cơ khiến thịt cá luôn săn chắc, và không được để lẫn với thức ăn tự nhiên.
Trước khi thả cả bạn cần phải xả nước trong ao, làm sạch bèo, vét bùn đáy, san phẳng đáy và để lại một lớp bùn dày 20 đến 30 cm. Khi đã dọn xong bạn phải phủ vôi bột lên bề mặt để cân bằng lại độ pH của ao, rửa phèn, rửa mặn, diệt tảo và vi sinh vật gây bệnh. Mọi người có thể xem thêm bài cách xử lý tảo xanh trong ao nuôi cá nếu chưa biết.
Phơi ao trong khoảng thời gian 3 ngày hoặc nhiều hơn hoặc nếu thời tiết xấu có thể phơi đáy 5 – 7 ngày. Sau đó, hãy đổ thêm nước đến khi mực nước cao tầm 1,5 đến 1,8m. Đây là mức khuyên dùng khi nuôi cá chép giòn.
Phần nước đưa vào trong ao phải đảm bảo sạch sẽ, bạn nên dùng nhiều tấm lọc trong quá trình dẫn nước vào trong ao vừa để ngăn rác vừa để ngăn chặn côn trùng,..
Một điều nữa mà bạn cần cực kỳ để tâm đó là sự cân bằng của nước ao, không quá trong cũng như quá đục, để đảm bảo quá trình phát triển của cá chép giòn diễn ra một cách thuận lợi nhất.
Môi trường ao nuôi
Có một vài các tiêu chí mà bạn cần để ý để môi trường nước trong ao hoặc lồng nuôi cá chép giòn được đảm bảo, gồm: nước nuôi cá có độ pH từ 7,5 – 8,5; nhiệt độ trung bình của nước ao từ 20 – 32 độ C; nồng độ oxy hòa tan thích hợp cho cá chép giòn từ 5 – 8mg/ lít.
Thức ăn
Nên cho cá chép giòn ăn gì để chất lượng đạt mức tốt nhất? Như đã nói ở trên, cá chép giòn sống ở tầng đáy sông, nơi giàu thức ăn như tôm, côn trùng, phiêu sinh vật,… Tuy nhiên, để đảm bảo cá lớn nhanh mà thịt vẫn giòn, thơm ngon thì bạn phải lựa chọn những loại thức ăn phù hợp và đa dụng cho chúng.
Thức ăn của cá chép giòn chủ yếu là cám gạo, cám ngô, bột cá,… trộn cùng với hạt đậu tằm để tăng độ giòn cho thịt cá. Trung bình 1 tấn cá chép giòn sẽ cần 1,5 tấn hạt đậu tằm. Đây là thực phẩm cơ bản cung cấp năng lượng để duy trì cho cá và giúp chúng tăng cân đều. Khi cho cá chép giòn ăn bạn cũng phải lưu ý về khẩu phần ăn. Mỗi một giai đoạn phát triển của cá lại cần lượng khẩu phần ăn khác nhau. Bạn cũng nên thay đổi linh hoạt để thích ứng với thời tiết hoặc sức khoẻ của chúng.
Sinh sản, nhân giống
Cá chép giòn, giống như nhiều loài cá, đẻ trứng và có chu kỳ sinh sản khá dày. Đến mùa sinh sản chúng sẽ có tập tính di cư, bơi dần từ vào các vùng bãi ở ven sông (những nơi có nhiều cỏ, bụi rậm) để đẻ trứng. Chúng thường đẻ trứng vào ban đêm và trung bình sẽ đẻ được 150 – 300 nghìn trứng trong một lần sinh sản. Trứng của chúng thường bám vào các thực vật thủy sinh bởi một chất dính đặc biệt.
Mùa sinh sản của cá chép giòn thường diễn ra từ mùa xuân cho đến hết mùa thu. Tháng 3 – 6 và tháng 8 – 9 hàng năm sẽ là khoảng thời gian cá chép giòn sinh sản nhiều nhất.
Phòng bệnh ở cá chép giòn
Như đã nói trong phần thả cá, bạn nên phòng bệnh cho cá chép giòn ngay từ lúc chuẩn bị thả chúng xuống môi trường nuôi bằng việc tắm với muối loãng hoặc tắm với dung dịch thuốc tím theo liều lượng đã chia sẻ. Vì phòng bệnh hơn chữa bệnh nên hãy nhớ chú trọng bước nay ngay từ đầu nhé.
Cá chép giòn có thể thích nghi khá tốt, tuy nhiên bạn vẫn nên chủ động cho chúng phòng ngừa bệnh để tránh gây ra thiệt hại. Bạn có thể sử dụng thuốc Tiên Đắc I trộn vào thức ăn của cá trong 3 ngày liên tiếp mỗi đợt. Liều lượng dùng cho loại thuốc này là 100g thuốc/500kg cá/ngày. Ngoài ra, bạn cũng có thể cho cá chép giòn bổ sung thêm Vitamin C cho cá ăn với lượng dùng chuẩn là 30ng/kg thức ăn.
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Nguồn đóng góp
Về bài viết này
Nguyễn Nam
Bác sĩ thú y - Chuyên gia
Xin chào, tôi là Nguyễn Nam, 29 tuổi, là một bác sĩ thú y và chuyên gia chăm sóc thú cưng. Tôi đam mê thế giới động vật và luôn có niềm yêu thích mãnh liệt dành cho những sinh vật này. Từ khi còn nhỏ, tôi đã bắt đầu khám phá và tìm hiểu về đa dạng của thế giới động vật. Với tư cách là một chuyên gia chăm sóc thú cưng, tôi có kinh nghiệm và kiến thức để giúp các loài vật nuôi của bạn tìm thấy sức khỏe trong cuộc sống của chúng. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào liên quan đến chăm sóc thú cưng, tôi rất sẵn lòng hỗ trợ bạn. Hãy cùng nhau khám phá và yêu thương thế giới động vật nhé!