Ngành nghề nuôi tôm thẻ chân trắng đang ngày càng phát triển trong những năm gần đây, mang đến hiệu quả kinh tế cao. Trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, việc xử lý nước trong ao nuôi là công việc vô cùng quan trọng, tạo điều kiện cho tôm sinh trưởng mạnh. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có sự hiểu biết & nắm bắt được kỹ thuật. Bài viết dưới đây sẽ giúp bà con nông dân có thêm những thông tin hữu ích về cách xử lý nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng sao cho hiệu quả.
Cách xử lý nước trong ao nuôi tôm thẻ chân trắng
Xử lý nước trong ao trước khi thả tôm
Trước khi thả tôm, bạn cần phải xử lý nước hợp lý. Việc xử lý nước trong ao trước khi thả tôm nhằm mục đích xử lý mầm bệnh gây hại còn sót lại ở vụ nuôi trước, tạo nguồn thức ăn tự nhiên giúp tôm phát triển nhanh chóng trong giai đoạn đầu giảm chi phí thức ăn từ đó tăng lợi nhuận.
Quy trình xử lý nước trong ao trước khi thả tôm như sau:
Trước hết, cho nước vào ao và lắng qua túi lọc bằng vải dày để loại bỏ các tạp chất trong khoảng 3 - 7 ngày.
Kích thích trứng tôm, ốc, côn trùng, cá nở bằng cách chạy quạt nước liên tục, trong vòng 2 - 3 ngày.
Tiêu diệt tạp chất cùng vi khuẩn trong nước bằng cách sử dụng một trong số các loại hóa chất: Chlorine với nồng độ 20-30 ppm (20-30 kg/1.000m3 nước), thuốc tím (KMnO4), BKC (Benzalkonium Chloride) ≥ 50%, hoặc hợp chất Iodine ≥ 10%.
Nếu sử dụng Chlorine thì cần ngưng sử dụng vôi trước đó khoảng 3 - 5 ngày vì vôi làm tăng pH và giảm khả năng diệt trùng của Chlorine. Sau đó, cần phải quạt nước liên tục trong vòng 10 ngày. Điều này nhằm mục đích giúp phân hủy dư lượng Chlorine. Bạn có thể kiểm tra nồng độ Chlorine trong nước bằng thuốc thử.
Cuối cùng, lấy nước từ ao chứa đã được xử lý qua túi lọc để đưa vào ao nuôi.
Lưu ý: Không sử dụng nước ngoài kênh mương có nhiều váng bọt, màng nhầy, phù sa nhiều hay các nguồn nước nằm trong khu vực có dịch bệnh, nước có hiện tượng phát sáng vào ban đêm để cho vào trong ao nuôi tôm.
Xử lý nước trong ao trong quá trình nuôi tôm
Trường hợp nước ao có màu trà đậm
Nước ao có màu trà đậm chứng tỏ hàm lượng dinh dưỡng trong ao tốt. Nguyên nhân ảnh hưởng đến màu nước là do sự phát triển của tảo trong ao nuôi.
Nước ao có màu trà đậm có chứa đủ các loài thuộc nhóm tảo cát (như chaetoceros, nitzschia closterium, phaeodactylum tricornutum,…). Trong giai đoạn tôm giống mới được thả, đây sẽ là nguồn thức ăn vô cùng tốt.
Trong trường hợp này, bạn chỉ cần xử lý bằng cách thêm nước sạch vào ao để làm loãng mật độ tảo và kích thích tôm lột xác.
Trường hợp nước ao xuất hiện nhiều bọt trắng lâu tan
Nguyên nhân làm nước ao xuất hiện nhiều bọt trắng lâu tan là do một số khí độc như H2S, Metan, CO2 xuất hiện trong ao nuôi. Đồng thời, các yếu tố môi trường như độ kiềm và độ pH cũng không ổn định.
Để xử lý tình trạng trên, bạn cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Kiểm tra có xuất hiện các loại khí độc và sử dụng chế phẩm vi sinh để hấp thụ khí độc.
- Giảm lượng thức ăn xuống 50% so với mức thông thường trong quá trình xử lý và tăng lượng thức ăn trở lại khi ao nuôi đã hết khí độc.
- Nếu xuất hiện nhiều váng do tảo chết thì cần vớt tảo và sử dụng vi sinh xử lý đáy để phân hủy xác tảo và làm sạch nước ao.
- Cần đảm bảo các yếu tố về môi trường sinh sống của tôm. Đặc biệt không được để thức ăn dư thừa tích tụ lại trong ao nuôi.
- Thường xuyên sử dụng chế phẩm vi sinh để giúp duy trì và đảm bảo nước trong ao nuôi luôn sạch và ổn định.
- Duy trì hoạt động quạt khí suốt ngày đêm để cung cấp đủ oxy do phân hủy xác tảo.
Trường hợp nước ao bị đục
Nguyên nhân là nước ao bị đục có thể do tự nhiên hoặc do con người gây ra. Nguyên nhân tự nhiên có thể là do mưa lớn, làm cho đất bờ ao bị rửa trôi hay do hoạt động của tôm và các sinh vật khác trong ao. Nguyên nhân do con người có thể là do không sên vét ao kỹ lưỡng, làm cho ao nuôi quá cạn và quạt nước hoạt động quá mạnh, dẫn đến đục nước hay việc sử dụng vôi không chất lượng, chứa nhiều tạp chất để tăng độ kiềm trước khi thả tôm,...
Trong trường hợp này, bạn có thể sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý đáy ao, phân hủy các chất lắng tụ trên đáy ao, làm sạch đáy và nước ao nuôi.
Xử lý nước trong ao sau thu hoạch
Sau khi thu hoạch, việc xử lý ao nuôi nhằm tạo tiền đề cho vụ nuôi mới. Việc xử lý ao nuôi sau thu hoạch thường được tiến hành như sau: Làm cạn nước, vét bùn đáy, bón vôi rồi phơi đáy ao nuôi . Xử lý ao nuôi sau thu hoạch được tiến hành theo hai phương pháp: cải tạo khô và cải tạo ướt.
Cải tạo khô (Đối với những ao có thể thoát nước đáy)
Trước hết, bạn cần tiến hành tháo cạn lớp bùn đáy ao hoặc vét bùn thủ công để loại bỏ hết bùn lắng. Sau đó, bón vôi dưới đáy (khoảng 500-1000kg/ha) và xới đều. Lưu ý kiểm tra độ pH của đất dưới đáy ao để bón vôi cho phù hợp. Cuối cùng, phơi ao khoảng 10 - 15 ngày rồi dẫn nước sạch vào ao qua lưới lọc.
Cải tạo ướt (Đối với những ao không có điều kiện thoát nước đáy)
Trước hết, tháo cạn nước ao hết mức có thể rồi sử dụng máy bơm áp lực để xả vào đáy ao để lấy hết chất thải bám dưới đáy. Nước thải bùn cặn được hút sang bể lắng bùn để xử lý. Sau đó, rải đều vôi nung CaO trên bề mặt đáy và toàn bộ ao. Lượng vôi phụ thuộc vào giá trị pH của nước ao.
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Về bài viết này
Phương Linh
Bác sĩ thú y - Chuyên gia
Xin chào, mọi người!. Tôi là Phương Linh, một bác sĩ thú y và chuyên gia nghiên cứu về động vật. Hiện tại, tôi 29 tuổi và đam mê công việc của mình từ khi còn rất trẻ. Tôi đã tốt nghiệp chuyên ngành bác sĩ thú y và sau đó tiếp tục học tập và nghiên cứu về các loài động vật khác nhau, đặc biệt là thú cưng. Ngoài công việc của mình, tôi cũng rất đam mê viết sách về động vật và thú cưng. Tôi hy vọng qua việc viết sách, tôi có thể chia sẻ với mọi người những kiến thức và kinh nghiệm của mình để giúp các bạn hiểu rõ hơn về thế giới động vật và giúp cho chúng ta có một cuộc sống tốt đẹp hơn bên cạnh những người bạn bốn chân của chúng ta. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về động vật hay thú cưng, hãy liên hệ với tôi. Tôi luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình với mọi người. Cảm ơn bạn đã đọc giới thiệu về tôi!