Cây cúc tần là một loại cây mọc dại. Tuy nhiên, ít người biết rằng loại cây này là một cây thuốc quý, chứa nhiều hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe. Vì vậy, loại cây này được sử dụng trong điều trị một số bệnh lý như phong thấp, bí tiểu, bệnh xương khớp. Hãy cùng tìm hiểu về đặc điểm, tác dụng, một số bài thuốc từ loại cây này thông qua bài viết sau.
Tác dụng của cây cúc tần (từ bi)
Đặc điểm của cây cúc tần
Cây cúc tần có tên khoa học là Pluchea indica (L.) Less., thuộc họ Cúc (Asteraceae). Cây cúc tần có nơi sinh sống đa dạng. Loại cây này thường phát triển tốt ở những vùng đất ngập nước, đất ven sông, ven biển và vùng nước mặn như rừng ngập mặn. Bên cạnh đó, loại cây này cũng có thể phát triển ở vùng đồi núi.
Cúc tần thuộc loại cây bụi, chiều cao trung bình từ 1-2m. Cây mọc thẳng đứng, thân tròn, toàn thân được bao phủ bởi một lớp lông mỏng. Từ thân chính sẽ phân ra thành nhiều cành nhỏ. Khi còn non, thân có màu xanh, khi già thì chuyển thành màu nâu tía.
Lá của cúc tần thuộc loại lá đơn, có hình bầu dục, nhọn ở đầu, mọc cách nhau. Lá có màu xanh lục sáng, hơi thô nhám, hai mặt lá gần giống nhau. Mép lá có răng cưa nhọn, không đều. Gân lá hình lông chim, nổi rõ ở mặt dưới của lá.
Hoa của cây mọc thành từng cụm kèm theo 3-7 chuỗi lá ở đầu ngọn các nhánh. Đầu của mỗi chùm có cuống ngắn màu tím. Quả có hình trụ thoi, có 10 cạnh màu nâu nhạt.
Tác dụng của cây cúc tần
Theo y học cổ truyền, cúc tần có vị đắng và tính ấm nên có tác dụng tán phong hàn, khu phong, trừ thấp, hoạt huyết, giúp tiêu hóa tốt. Do đó, cây cúc tần thường được dùng trong các bài thuốc điều trị các bệnh như viêm phế quản, đau lưng, đau nhức xương khớp.
Theo y học hiện đại, các hoạt chất stigmasterol và ꞵ-sitosterol có trong cây cúc tần có tác dụng trong việc điều trị bệnh đái tháo đường. Ngoài ra nếu hai loại hợp chất này được chiết từ phần rễ của cây cúc tần thì còn có khả năng trung hòa nọc độc của loài rắn hổ bướm Daboia russelii và rắn hổ đất Naja kaouthia, làm giảm biến chứng xuất huyết và nguy cơ tử vong do nọc độc rắn gây nên.
Cây cúc tần còn có tác dụng kháng khuẩn, chống lại Entamoeba histolytica và kiểm soát các triệu chứng của bệnh lao.
Loại tinh dầu có trong lá cúc tần khi được pha loãng trong polyethylene glycol sẽ tạo nên tác dụng kháng khuẩn, chống lại một số loại nấm và vi khuẩn gây bệnh như Escherichia coli, Staphylococcus aureus, nấm Candida albicans, Microsporum gypseum và Xanthomonas campestris.
Chiết xuất dung dịch từ lá cúc tần có chứa các chất chống viêm và chống oxy hóa như flavonoid và phenolic nên cúc tần còn có tác dụng chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi các gốc tự do gây hại.
Chiết xuất từ phần rễ và phần lá của cây có chứa các thành phần như saponin, tanin, flavonoid, proanthocyanidin và phenol có tác dụng ức chế các liên kết vận chuyển cassette ATP trong tế bào ung thư nên còn có tác dụng ngăn ngừa ung thư.
Bên cạnh đó, nhờ bộ rễ có chứa các chất ức chế prostaglandin E2 và carrageenan – 2 tác nhân gây sưng bàn chân và phù khớp nên cây cúc tần còn có khả năng chống viêm.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ cây cúc tần
Điều trị cảm, sốt
- Nguyên liệu: 20g cúc tần khô.
- Thực hiện: Đun sôi với nước sạch, uống trong ngày. Ngoài ra, người bệnh có thể đun một nắm lá cúc tần tươi và một nắm lá chanh dùng để xông hơi để giải cảm.
Chữa đau nhức, mỏi lưng
- Nguyên liệu: một nắm lá cúc tần tươi.
- Thực hiện: Đem sao lá cúc tần tươi với rượu trắng. Sau đó bọc hỗn hợp này trong một chiếc khăn để chườm lên vùng bị đau.
Điều trị thấp khớp, đau nhức xương khớp
- Nguyên liệu: 20g cúc tần; 20g rễ cây bưởi bung; 20g rễ trinh nữ; 10g đinh lăng; 10g cam thảo dây.
- Thực hiện: Đem các nguyên liệu sắc để lấy nước uống. Sử dụng bài thuốc trên liên tục trong 5-7 ngày nhằm giúp giảm nhẹ triệu chứng đau xương, thấp khớp.
Chữa trị chứng bí tiểu
- Nguyên liệu: 40g lá cúc tần khô hoặc 100g lá tươi.
- Thực hiện: Đem đun sôi với nước để lấy nước uống hằng ngày.
Giảm căng thẳng, mệt mỏi
- Nguyên liệu: 50g cúc tần; 50g hoa cúc trắng; 100g óc lợn; 100g đu đủ chín tới.
- Thực hiện: Đem các nguyên liệu hầm canh với các bước như sau: trước hết cho cúc tần; đu đủ và hoa cúc trắng đun sôi trong 1 lít nước. Cho óc lớn vào đun thêm 20 phút sau đó tắt bếp. Dùng nóng trước bữa cơm chính. Nên thực hiện 2 lần một ngày trong vòng 1 tuần để hết mệt mỏi, căng thẳng.
Điều trị viêm phế quản
- Nguyên liệu: 20g cúc tần già rửa sạch; 3g gừng; 50g thịt nạc; 2 nắm gạo.
- Thực hiện: Băm nhỏ cúc tần với gừng sau đó đem các nguyên liệu nấu cháo. Dùng ăn 3 lần một ngày, thực hiện trong vòng 3 ngày.
Giúp tăng cường hệ tiêu hóa
Để kích thích hệ tiêu hóa và tăng hấp thu chất dinh dưỡng có thể ăn một nắm lá cúc tần tươi sau mỗi bữa ăn.
Đọc thêm: Tác dụng của cây sâm đất
Hỏi đáp chuyên gia
Đặt một câu hỏi
Lời khuyên
- Người đang dùng các loại thuốc khác cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ để đảm bảo dùng đúng liều lượng, cách dùng và tránh sự tương tác hoặc giảm tác dụng của các thuốc điều trị khác.
- Đối với phụ nữ mang thai, cho con bú hoặc trẻ nhỏ nên cẩn trọng khi sử dụng. Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn khi sử dụng loại cây này.
Lưu ý
Về bài viết này
Minh Quang
Tôi là Minh Quang, hiện nay 24 tuổi và đang theo học tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tôi luôn có một tình yêu đặc biệt dành cho thú cưng, đặc biệt là các loài chó. Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất yêu quý và quan tâm, đặc biệt đối với những người bạn bốn chân này. Tôi không chỉ thích chơi với chúng mà còn thường xuyên tìm hiểu về các loài chó, từ các tính cách đến cách chăm sóc. Việc này giúp tôi có một lượng thông tin kiến thức tương đối nhiều về chó, tôi đã tham gia làm công tác viên trên trang hướng dẫn nuôi trồng trực tuyến WikiFarm.
Với kiến thức và kinh nghiệm tích luỹ qua thời gian, tôi hiểu rõ về cách nuôi dưỡng và chăm sóc cho các loài chó. Tôi rất hạnh phúc khi có cơ hội giúp đỡ những người khác hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến chó, từ việc lựa chọn loài chó phù hợp đến các vấn đề sức khỏe và hành vi của của chúng.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian để tìm hiểu về tôi. Tôi hy vọng rằng thông qua sự đam mê và kiến thức của mình, tôi có thể đóng góp cho một cộng đồng yêu thú cưng ở Việt Nam.